Kiến thức cà phê
Kiến thức về cà phê
Kiến thức về cà phê
Đôi điều về sản phẩm cà phê hòa tan
Cà phê hòa tan còn được gọi là cà phê uống liền được sản xuất thành dạng bột; đã được kết hợp với các thành phần khác theo “khẩu vị” mà nhà sản xuất cho là hoàn hảo và phù hợp với sở thích của đại đa số người dùng. Sản phẩm cà phê hòa tan được sản xuất bằng phương pháp rang - xay - sấy khô.
Cà phê rang sau khi mang xay thành bột được sử dụng làm nguyên liệu chính để sản xuất cà phê hòa tan. Nguyên liệu này được sử dụng làm nền cho các hỗn hợp cà phê 2in1; 3in1; hay 4in1,..tùy thuộc vào sự kết hợp các thành phần của nhà sản xuất. Ví dụ cà phê hòa tan 3in1 thường được tạo thành từ 3 thành phần chính gồm bột cà phê hòa tan; đường và kem sữa.
Cách sử dụng loại cà phê hòa tan đơn giản hơn nhiều so với cà phê rang xay truyền thống. Các túi cà phê được đóng theo định lượng nhất định. Người dùng chỉ cần đổ bột cà phê hòa tan vào tách; thêm nước sôi và khuấy đều đến khi bột cà phê tan hết và thưởng thức. Kể từ khi xuất hiện trên thị trường vào những năm 1950, cà phê hòa tan đã được sử dụng phổ biến trên toàn thế giới.
Vậy quy trình sản xuất cà phê hòa tan có phức tạp không và gồm những công đoạn nào?
Chi tiết quy trình sản xuất cà phê hòa tan
1. Rang và xay cà phê nhân
Đây là công đoạn đầu tiên trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan. Theo tiêu chuẩn quốc tế, mỗi mẻ cà phê cần được rang trong vòng 18 đến 25 phút. Công nghệ rang càng tiên tiến thì hương bị tự nhiên của cà phê càng được lưu giữ trọn vẹn. Tiêu chuẩn của hạt cà phê sau khi rang là: hạt chín đều từ trong ra ngoài; không bị cháy cạnh; nở đều; không bị chai; đều màu. Sau khi rang, cà phê cần được mang đi xay thành dạng bột mịn.
2. Công đoạn trích ly
Trong quy trình sản xuất cà phê hòa tan, công đoạn này có mục đích thu các chất hòa tan có trong bột cà phê rang vào nước. Thiết bị trích ly là một tháp chứa bột cà phê được bảo ôn nhiệt độ. Nhà sản xuất có thể làm ẩm bột cà phê bằng hơi nước bão hòa trước khi bơm nước vào trích ly.
Nước nóng sẽ được bơm vào từ đáy tháp; qua cột bột cà phê rang trong tháp. Nước được dùng để trích ly phải đảm bảo nhiệt độ từ 80 đến 90 độ C. Ở nhiệt độ cao hơn, nước sẽ trích ly cả những chất không tốt.
Tại đây, hiện tượng trích ly các chất hòa tan được diễn ra. Dung dịch cà phê được thu tại đỉnh tháp. Việc trích ly được tiến hành nhiều lần để hạn chế lượng bột mịn tan sâu vào trong nước khi trích ly. Dịch trích ly khi đi qua các tháp chứa bột cà phê sẽ có lượng chất tan tăng dần. Nồng độ dung dịch cà phê trích ly có thể đạt tới 20 – 22%.
3. Công đoạn cô đặc
Trong công đoạn trích ly của quy trình sản xuất cà phê hòa tan, chúng ta thu được dung dịch cà phê với nồng độ 20 – 22%. Ở mức nồng độ này, chúng ta chưa thể sấy khô được. Đây là lý do chúng ta cần cô đặc dịch trích ly đến nồng độ 30 – 33%. Đây là mức thích hợp và giúp quá trình sấy khô diễn ra thuận lợi.
Phương pháp cô đặc phổ biến nhất là phương pháp cô đặc chân không. Lúc này, dung dịch cà phê được bơm vào một thiết bị gia nhiệt. Nước sẽ bay hơi dưới tác động của nhiệt độ. Độ chân không được tạo ra nhờ baromet sẽ hút hơi nước và ngưng tụ tại bình ngưng. Khi nồng độ dung dịch cà phê đạt yêu cầu thì quá trình cô đặc sẽ dừng lại.
4. Sấy khô dung dịch cà phê
Công đoạn này có tác dụng chuyển dung dịch cà phê cô đặc thành dạng bột. Phương pháp được áp dụng là sấy phun. Lúc này, dung dịch cà phê được bơm vào đỉnh cyclo. Một đĩa đục nhiều lỗ nhỏ quay với tốc độ rất lớn làm cho dịch cà phê vào cyclo ở dạng sương mù. Chúng được sấy khô bởi không khí nóng khô được thổi vào cyclo. Cà phê bột hoà tan được thu ở đáy cyclo. Cà phê bột sau khi sấy có độ ẩm 1 – 2%, có màu nâu đen đậm.
5. Công nghệ hồi hương
Cà phê bột sau khi xay được thu hồi chất thơm, vì quá trình trích ly và sấy phun có thể làm tổn thất rất nhiều hương thơm cà phê tự nhiên. Sau khi thu được bột cà phê hòa, nhà sản xuất lại áp dụng công nghệ hồi hương để cà phê hòa tan thành phẩm có được hương thơm tự nhiên ban đầu.
Quy trình sản xuất cà phê hòa tan được tiến hành bằng các máy móc và thiết bị chuyên dụng. Công nghệ càng hiện đại, hương vị của cà phê hòa tan thành phẩm càng thơm ngon.
Việt Nam luôn nằm trong TOP đầu các quốc gia xuất khẩu cà phê hàng đầu thế giới, nhưng phần lớn là xuất khẩu cà phê thô. Thực tế này mở ra một cơ hội mới cho các nhà đầu tư mạnh dạn rót vốn vào dây chuyền sản xuất cà phê hòa tan chất lượng. Nếu bạn đang có ý tưởng kinh doanh cà phê hòa tan nhưng chưa biết bắt đầu từ đâu, hãy liên hệ với Học viện cà phê Việt Nam ngay hôm nay để được hỗ trợ từ A đến Z nhé!